Ứng dụng công nghệ vào giao dịch BĐS, cần hành lang pháp lý rõ ràng

Ứng dụng công nghệ vào giao dịch BĐS, cần hành lang pháp lý rõ ràng

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trong đó có sự bùng nổ ứng dụng công nghệ trong giao dịch bất động sản. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được trong tình hình mới buộc phải áp dụng và thích nghi với xu hướng công nghệ mới.

Ứng dụng công nghệ là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường

Vốn là lĩnh vực có đặc thù sản phẩm giá trị cao, BĐS là ngành còn tương đối bảo thủ trong việc thích ứng với những ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên trong những năm qua, những giải pháp đột phá từ cả startup lẫn những ông lớn BĐS đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành BĐS.

Những mô hình, sản phẩm, dịch vụ và giải pháp mới được xây dựng dựa trên công nghệ xuất hiện ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Thị trường dần làm quen với các nền tảng thông tin BĐS trực tuyến, hoạt động xem nhà hoàn toàn online thông qua công nghệ virtual tour 360 độ, thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo tăng cường (AR). Công nghệ bùng nổ mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 tác động đến thị trường. Đây là cơ hội lớn cho cả phía doanh nghiệp và người mua BĐS.

Số hóa là hướng đi tất yếu của thị trường BĐS trong các giai đoạn phát triển tiếp theo

Theo ông Mathew Powell, Giám đốc Savills, số hóa thông tin là một trong những giải pháp quan trọng, tận dụng những lợi ích của chuyển đổi số, đồng thời cũng mang lại lợi ích trong việc kiểm soát thông tin đất đai, nhằm đảm bảo được tính minh bạch của thông tin. Những tiến bộ của công nghệ cũng là giải pháp vượt trội giúp kinh doanh BĐS trở thành lĩnh vực có tiềm năng, ít rủi ro hơn hẳn. Khi chủ đầu tư cần đến các giải pháp quản lý tổng thể dự án, công nghệ sẽ là một giải pháp mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm.

“TP.HCM và Hà Nội là hai trong những thành phố có lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ nhất trên thế giới, với 70% dân số dưới 35 tuổi, đây là điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ vào cuộc sống dễ dàng. Do đó, giao dịch BĐS bằng công nghệ cũng là xu hướng tất yếu. Trên cơ sở áp dụng công nghệ, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra thông tin dự án trực quan, kết nối người mua và người bán, giúp tăng cường khả năng minh bạch thông tin thị trường khi tất cả các thông tin của chủ đầu tư đều được công khai để khách hàng dễ dàng kiểm chứng, so sánh”, ông Mathew Powell cho hay.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo cho phép người mua có thể xem BĐS mà không cần đến trực tiếp; bên bán có thể tăng tính hấp dẫn của BĐS. Thông tin, dữ liệu, quy trình được số hóa, lưu trữ, bảo mật; tiện lợi cho xác thực, đối chiếu và giao dịch. Những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp BĐS là làm giảm chi phí giao dịch và quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, hợp tác, kết nối; tăng cơ hội kinh doanh mới; tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và trong nước.

Cần mở hành lang pháp lý minh bạch

Bên cạnh những mặt tích cực, các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ BĐS vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề tâm lý khách hàng còn e ngại khi thực hiện các giao dịch mua bán thông qua các ứng dụng khi vấp phải tính minh bạch. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch BĐS online vẫn còn những vướng mắc về mặt pháp lý.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, thách thức trong việc chuyển đổi số là sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, mô hình quản trị, văn hóa kinh doanh. Việc chuyển đổi có thể sẽ cắt giảm nguồn nhân sự trong tổ chức, doanh nghiệp, chỉ cần những nhân lực chất lượng cao yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Mặt khác, do hình thành nhiều công ty dịch vụ trung gian nên sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sẽ tinh vi và khốc liệt hơn.

Cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc giao dịch BĐS trên nền tảng công nghệ

Bên cạnh đó, chuyển đổi công nghệ còn cần hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, kể cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trên thực tế việc áp ụng công nghệ trong tìm kiếm, giao dịch BĐS ở thị trường Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, khung pháp lý về kinh doanh BĐS khi số hóa chưa được đề cập… do đó tâm lý người giao dịch vẫn rất e ngại, nhất là khi xuất hiện rủi ro, tranh chấp.

TS. Đinh Thị Thu Hồng, Trưởng Khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP HCM nhận định, hiện tại Việt Nam hoàn toàn chưa có bất kỳ quy định pháp lý nào cho công tác gọi vốn cho các dự án bất động sản bằng các ứng dụng công nghệ như chuỗi khối (blockchain) hay gọi vốn cộng đồng (crowd-funding). Tuy vậy, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực tài chính (Fintech), cụ thể hơn là công nghệ trong lĩnh vực bất động sản với hình thức đầu tư bất động sản Blockchain đang rất được chú trọng.

GS-TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho rằng vấn đề đặt ra của hoạt động Protech là kiểm soát rủi ro mà hoạt động thanh toán quốc tế của ngân hàng đang là rất quan trọng. Việc kiểm soát dựa trên cách thức kinh doanh, xem hoạt động đầu tư này mang lại lợi ích như thế nào cho xã hội, cho mọi người, cho nền tài chính toàn diện chứ không chỉ cho nhà đầu tư. Khi một hình thức đầu tư, một sản phẩm công nghệ đầu tư mới xuất hiện thì cơ quan chức năng sẽ đặt ra vấn đề này đầu tiên nhằm tối ưu hóa lợi ích công nghệ nhưng vẫn giảm thiểu rủi ro.

Các xu hướng công nghệ nào sẽ tác động đến thị trường BĐS năm 2022? Tìm lời giải ra sao cho bài toán niềm tin và bảo mật trong giao dịch BĐS thông qua ứng dụng công nghệ? Thị trường BĐS 2022 sẽ chào đón những sự dịch chuyển nào khi tâm lý và khẩu vị người mua đang có sự thay đổi? Những thông tin được chia sẻ tại Hội nghị BĐS Việt Nam - VRES 2021 do Batdongsan.com.vn tổ chức.

Phương Uyên


Phản hồiĐiền thông tin của bạn vào khung dưới đây

(5 stars)
Xin mời chọn sao đánh giá...
wait image
Gửi đi